Khái Niệm Công Ty Hợp Danh Tại Luật Doanh Nghiệp 2005
--- Bài mới hơn ---
Là một hình thức công ty ra đời sớm nhất trong lịch sử loài người, công ty hợp danh bao giờ cũng được nhắc tới trước tiên trong các đạo luật hay các công trình nghiên cứu về công ty. Theo pháp luật Việt Nam hiện nay, công ty hợp danh bị gắn với một hình thức công ty khác là công ty hợp vốn đơn giản để cùng được gọi là “công ty hợp danh”. Theo tác giả, cách thức này đã dẫn đến sự nhận thức thiếu chính xác về cả hai hình thức công ty này, và còn dẫn đến nhiều quy định không thích hợp đối với chúng.
Nguyên nhân của khiếm khuyết nêu trên thể hiện rất rõ qua Luật Doanh nghiệp năm 2005, có lẽ là do nhà làm luật thiếu nhận biết chính xác về các hình thức công ty đang tồn tại từ xưa tới nay trên thế giới, cũng như ở Việt Nam trước kia, thiếu chú trọng một cách cần thiết tới công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản. Trong tiếng Anh, công ty hợp danh được gọi là “general partnership” hay “simply partnership”, còn công ty hợp vốn đơn giản được gọi là “limited partnership”. ở các nước thuộc họ pháp luật Anh – Mỹ, mỗi dạng công ty nói trên có quy chế pháp lý riêng về thành lập và vận hành. Có lẽ, Luật Doanh nghiệp năm 2005 của Việt Nam bị ảnh hưởng bởi pháp luật Hoa Kỳ?
“Công ty hợp danh là doanh nghiệp, trong đó:
a) Phải có ít nhất hai thành viên là chủ sở hữu chung của công ty, cùng nhau kinh doanh dưới một tên chung (sau đây gọi là thành viên hợp danh); ngoài các thành viên hợp danh có thể có thành viên góp vốn;
b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;
c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty” (Điều 130, khoản 1).
Định nghĩa này cho thấy hai vấn đề lớn cần phải bàn:
Vấn đề lớn thứ nhất, công ty hợp danh theo quan niệm của Luật Doanh nghiệp năm 2005 phải có ít nhất hai thành viên hợp danh, có nghĩa là hai người chịu trách nhiệm liên đới và vô hạn định đối với các khoản nợ của công ty. Điều này là đúng nếu Luật Doanh nghiệp năm 2005 không quan niệm công ty hợp danh bao gồm cả công ty hợp vốn đơn giản. Như trên đã nói, bản chất của công ty hợp danh (general partnership) đúng nghĩa là sự liên kết của các thương nhân đơn lẻ (sole trader hay sole proprietorship) để kinh doanh dưới một tên hãng chung. Vì vậy, công ty hợp danh phải có từ hai thành viên hợp trở lên, nếu không thì sẽ vẫn chỉ là thương nhân đơn lẻ. Còn đối với công ty hợp vốn đơn giản thì chỉ cần có một thành viên hợp danh (hay “thành viên nhận vốn” – gọi một cách dễ hiểu hơn và đỡ bị nhầm hơn về ngữ nghĩa) và một thành viên góp vốn là đủ. Ngay ở Hoa Kỳ người ta quan niệm: “Công ty hợp danh hữu hạn (limited partnership) bao gồm hai hay nhiều người, với ít nhất một thành viên hợp danh và một thành viên chịu trách nhiệm hữu hạn” (2). Cần lưu ý thêm: “công ty hợp danh hữu hạn: gọi theo cách của chúng ta xưa kia là “công ty hợp vốn đơn giản” hay “công ty hợp tư đơn thường”. Để thấy hết quan niệm sai lầm về công ty hợp danh theo pháp luật của Việt Nam hiện nay, cần khảo sát tình huống sau:
Lại Thị Lợi và Cù Thị Như Lan cùng nhau thành lập một công ty hợp danh mang tên Lại Cù. Công ty hoạt động rất hiệu quả, đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước, giải quyết được rất nhiều việc làm cho một địa bàn có nhiều người thất nghiệp, thực hiện chính sách kinh tế lớn của địa phương. Không may Cù Thị Như Lan qua đời để lại tài sản cho người thừa kế duy nhất mang tên Cù Thị Khoái, không có khả năng kinh doanh và không được sự tin tưởng về mặt kinh doanh của Lại Thị Lợi. Khoái không muốn rút khỏi công ty, nhưng cũng đồng ý chỉ là thành viên góp vốn của công ty. Lợi không muốn kết nạp thêm bất kỳ ai vào công ty vì không tin tưởng và không muốn chia xẻ cơ hội kinh doanh. Biết rằng tỷ lệ quyền lợi của Lợi và Lan trong công ty Lại Cù bằng nhau.
Để giải quyết tình huống này, có các giải pháp sau:
Thứ nhất, Khoái rút khỏi công ty. Điều này trái với ý chí của Lợi và Khoái. Lưu ý: Luật tư không thể buộc bất kỳ ai hành động trái với ý muốn của họ, nếu không có lý do chính đáng từ phía cộng đồng. Giả định Khoái rút khỏi công ty, công ty chỉ còn lại mình Lợi. Lúc này công ty không thể còn là công ty hợp danh nữa, vì nó chống lại bản chất thực sự của công ty hợp danh, và xét về luật thực định thì nó cũng chống lại các quy định về công ty hợp danh.
Thứ hai, công ty Lại Cù chuyển đổi thành công ty trách nhiệm hữu hạn. Điều này trái với ý muốn của Lợi. Hơn nữa, pháp luật Việt Nam hiện không dự liệu trường hợp chuyển đổi hình thức giữa công ty đối vốn và công ty đối nhân.
Thứ ba, Khoái thay thế vị trí thành viên hợp danh của Lan trong công ty Lại Cù. Điều này trái với ý chí của Lợi và Khoái, đồng thời chống lại tính chất đối nhân (tin tưởng lẫn nhau và nhắm tới nhân thân của nhau giữa các thành viên hợp danh) của công ty hợp danh.
Thứ tư, công ty Lại Cù kết nạp thêm thành viên hợp danh mới. Điều này cũng trái với ý chí của Lợi và Khoái, đồng thời chống lại tính chất đối nhân của công ty hợp danh.
Thứ năm, công ty Lại Cù giải thể để Lợi thành lập công ty khác. Giải pháp này chống lại lợi ích của cộng đồng vì công ty đang phát triển và có nhiều đóng góp cho xã hội. Đồng thời, Lợi bị mất cơ hội làm ăn và gánh chịu chi phí lớn cho việc tạo dựng lại công ty…
Các giải pháp trên đều có các khiếm khuyết lớn có thể khiến cho luật không đi vào đời sống xã hội, nhiều khi còn cản trở việc phát triển kinh tế, xã hội. Tốt nhất là chúng ta nên chọn giải pháp mà các hệ thống tài phán trên thế giới hiện nay vẫn đang sử dụng. Đó là thiết kế quy chế pháp lý riêng cho công ty hợp danh và cho công ty hợp vốn đơn giản. Nhưng trước hết cần phải nhận thức công ty hợp danh và công ty hợp vốn đơn giản là hai hình thức công ty khác biệt. Đồng thời nhà làm luật cần thiết kế đầy đủ các giải pháp đối với việc chuyển đổi hình thức công ty.
Trong các đặc điểm pháp lý của công ty hợp danh còn có một vấn đề phải bàn là: công ty hợp danh có tư cách pháp nhân hay không? Nhiều luật gia Việt Nam cho tới bây giờ vẫn chưa đồng tình với việc Luật Doanh nghiệp năm 2005 quan niệm công ty hợp danh có tư cách pháp nhân. Rõ ràng, công ty hợp danh cũng có tên gọi, trụ sở, quốc tịch, sản nghiệp, ý chí và trách nhiệm. Điều đó cho thấy không thể quan niệm nó là một cái gì đó khác hơn pháp nhân. Còn các thành viên của nó xét về mặt pháp lý là những người bảo lãnh liên đới cho các hoạt động của công ty. Hoàn toàn có sự tách bạch giữa tài sản của công ty và tài sản của các thành viên.
--- Bài cũ hơn ---